Rau củ quả không đơn giản chỉ chứa chất xơ mà còn chứa hàm lượng dưỡng chất lớn và đa dạng trong số những thực phẩm chúng ta ăn hằng ngày. Nhưng một số sai lầm khi chế biến rau củ có thể làm mất đi rất nhiều dinh dưỡng.
1. Bảo quản rau xanh quá lâu trong tủ lạnh
Để tiết kiệm thời gian đi chợ, nhiều người thường có thói quen mua một lần dùng cho cả tuần, mua đủ loại thực phẩm và rau củ quả về chất hết vào tủ lạnh. Thói quen đó đúng là rất tiện lợi, nhưng cách bảo quản rau xanh như thế này sẽ làm mất đi nhiều dinh dưỡng nếu để càng lâu trong tủ lạnh.
2. Nhặt bỏ lá rau
Có một số người trong chúng ta quen nhặt bỏ phần lá khi chế biến. Nhưng các bạn có biết là hàm lượng Vitamin trong lá và thân cọng là như nhau không? Do đó, chúng ta nhặt bỏ hết lá sẽ làm giảm đáng kể lượng Vitamin và còn lãng phí thêm thời gian.
3. Gọt bỏ hết vỏ rau củ
Theo quan điểm của nhiều người thì phần vỏ rau củ thường là phần tiếp xúc với đất bẩn, phân thuốc nên cần gọt bỏ hết. Tuy nhiên theo các nghiên cứu cho thấy, vỏ của một số loại rau củ tươi chứa nhiều Vitamin C hơn cả thân và lá như bí đỏ, củ cải, cà rốt, cà tím,... Vì thế, nếu không phải là rau củ có vỏ cứng không thể nấu mềm được thì không nên gọt bỏ hết vỏ, chỉ cần rửa sạch trước khi chế biến để có thể tận dụng được hết Vitamin từ rau củ.
4. Cắt rau xong mới rửa
Nhiều bạn có thói quen sau khi gọt vỏ thì cắt rau củ thành từng miếng nhỏ rồi mới rửa. Trình tự sơ chế rau củ như vậy sẽ khiến cho lượng lớn chất dinh dưỡng trôi theo nước lúc bạn rửa. Do đó, tốt nhất bạn nên rửa rau xong rồi mới cắt, để đảm bảo lượng Vitamin vẫn còn nguyên vẹn trong rau củ.
5. Rửa rau 3 nước là sạch
Nếu bạn nghĩ rau chỉ cần nhặt sạch và rửa qua 3 nước trong chậu là có thể loại bỏ hết tất cả các chất bẩn, vi khuẩn là hoàn toàn sai lầm. Vì cách rửa như vậy sẽ tạo cơ hội cho tạp chất bẩn, ký sinh trùng, vi sinh vật hay thuốc bảo vệ thực vật bám trở lại vào rau. Cách rửa rau được khuyên là nên rửa rau dưới vòi nước để các tạp chất trôi đi hết.
6. Rửa nấm hương quá sạch hoặc ngâm nước
Trong nấm hương chứa một hàm lượng khá lớn Ergosterol, khi được tiếp xúc với ánh sáng mặt trời sẽ chuyển thành Vitamin D. Nhưng nếu rửa quá sạch hoặc ngâm trong nước quá lâu sẽ làm mất đi rất nhiều thành phần dinh dưỡng quan trọng này. Do đó, đối với nấm chỉ nên rửa sơ qua.
Một điểm cần chú ý nữa là không nên nấu nấm hương bằng nồi sắt hay nồi đồng, để tránh làm mất chất dinh dưỡng từ nấm hương.
7. Thường xuyên ăn salad và rau sống
Ăn salad quá nhiều
Salad do không được nấu chín nên nguy cơ dư lượng thuốc trừ sâu còn tồn đọng trong rau sẽ rất cao gây nguy hiểm cho cơ thể. Do đó, khi ăn salad hay rau sống nên chọn những loại rau xanh sạch, rau thủy canh, rau hữu cơ không nhiễm bẩn. Tuy nhiên cũng không nên ăn nhiều salad.
8. Ăn mướp đắng sống
Mướp đắng (hay còn gọi là khổ qua) có một vị đắng đặc trưng được tạo ra từ Axit oxalic, đây là loại axit gây cản trở sự hấp thụ Canxi trong cơ thể. Do đó, để làm giảm vị đắng và lượng Axit oxalic chúng ta nên luộc sơ qua nước sôi. Đặc biệt chú ý khi chế biến mướp đắng cho trẻ nhỏ, vì trẻ nhỏ cần lượng lớn Canxi để phát triển.
9. Ăn nhiều giá đỗ sống
Giá đỗ là một loại rau mầm có vị ngon, bổ dưỡng, giàu dinh dưỡng, có thể ăn sống hoặc nấu chín. Nhưng nếu ăn sống thì nên ăn ít thôi, mà hãy nên nấu chín. Vì nếu ăn nhiều giá đỗ sống sẽ xuất hiện các triệu chứng về đường tiêu hóa như buồn nôn, tiêu chảy, chóng mặt,…
Đa số chúng ta đều mắc phải ít nhất một sai lầm trong số đó. Để đảm bảo sức khỏe và khai thác được tối đa nguồn dinh dưỡng, Vitamin và khoáng chất từ rau củ các bạn nên tập thay đổi dần những thói quen trên nhé.